[Góc chật] Sợ

“Tôi sống bằng nỗi sợ, từng hành động, từng lời nói, từng hơi thở, từng giây từng phút.”

Đây là một câu chính bản thân tôi đã từng viết ra trong một bài “tản mạn” có tựa đề là “Đi.” Đi như thế nào? Ai đọc ắt sẽ hiểu. Tôi không nhớ rõ mình đã có những cảm xúc gì để viết ra một bài tiêu cực như thế, nhưng mỗi lần đọc lại, tôi đều cảm thấy sợ vì nó…đúng quá.

Đúng thật là tôi đã từng, và có thể là vẫn đang, sống bằng nỗi sợ.

Hình như đây là nét văn hóa Việt Nam nói riêng và Á Đông nói chung? Bởi ông bà bố mẹ của chúng ta khổ quá rồi, họ thấm nhuần những nỗi sợ của cuộc đời và dạy con cháu sống bằng nỗi sợ. Con ơi học ngành kinh tế hay y tế gì đấy đi, những ngành khác sợ là không có việc làm đâu. Con ơi gắng dành dụm mà mua nhà đi, sợ sau này về già không có chốn dung thân. Con ơi đừng đi chơi xa với đám bạn, sợ là rủi ro sẽ xảy ra trên đường đi.

Tôi không trách thế hệ đi trước; trách các cụ cho bản tính sợ sệt của mình thì dễ dàng và…hèn nhược quá. Nhưng tôi có đôi lần thắc mắc liệu rằng sợ hãi có nằm trong bản gien người Việt không? Không rõ câu trả lời là gì, nhưng sống bằng nỗi sợ thì buồn quá.

Khi ta quyết định làm gì, dù là việc nhỏ như đi mua cơm hay việc lớn như đi mua nhà, lý do của hành động đấy nên là “muốn” thay vì “sợ”. Sợ thì sợ mãi mãi; dẫu điều xấu không xảy ra thì nó vẫn ám ảnh mình theo cách này hay cách khác, đeo bám từng ngày từng đêm. Và vô tình thay, chính nỗi sợ ấy mới là điều xấu lớn nhất. Có căn nhà để làm gì khi ta cứ sợ? Cứ thuê nhà mà không sợ, liệu có hơn?

Mỗi lần tôi viết ra một câu hỏi, tôi đều không có câu trả lời. Thú thật, tôi sợ trả lời. Mình có chắc như đinh đóng cột không – hay là quan điểm không vững vàng và dễ bị bật lại?

Mình sợ quá.

Sống mà lo sợ mọi thứ, mọi người thì tương lai trở thành đám mây mù mất. Sống thì phải vui chứ! Sau mây mưa phải có nắng ấm thì mới có khả năng đi tiếp được.

Thế nên, không biết từ lúc nào, dường như để phủ nhận nỗi sợ trong bản gien, tôi định ra mục tiêu lớn nhất trong cuộc đời mình là hạnh phúc. Phải được cười, phải hạnh phúc, đấy mới là cứu cánh. Bỏ tiền đi du lịch, bỏ thời gian cho những mối tình ngắn ngủi, tất thảy chỉ vì mong được cười thêm một phút mà thôi.

Tôi từng nghĩ niềm hạnh phúc là một ngọn nến, mình thắp lên nhưng biết trước nó sẽ tàn chỉ trong vài chục phút mà thôi. Xin thêm một phút, xin thêm một phút, tim nến vẫn cứ cháy dần cháy mòn. Cháy xong rồi thì lại buồn và sợ.

Có thể bài thuốc chữa lành cho những suy nghĩ đáng…sợ này là lòng biết ơn. Biết ơn cuộc đời và biết ơn cho những thứ mình đang có chứ không nuối tiếc những gì mình đã có hay lo lắng cho những thứ mình chưa có.

Mình còn căn nhà thuê này, bé thôi nhưng cũng ấm cúng và đầy đủ đấy.

Mình còn sức khỏe này, trộm vía là chưa có vấn đề nghiêm trọng gì.

Mình còn công việc này, lương thấp nhưng lại là ngành mình thích.

Mình còn gia đình và bạn bè này, dù không có bạn đời thì vẫn có những chỗ dựa khi mình vấp ngã.

Mình còn bản thân mình này, dẫu sợ hãi nhiều thứ thì vẫn cố gắng sống từng ngày từng ngày, chẳng mấy mà ba mươi hai năm rồi đấy.

Mình còn mình này, phải ôm lấy để yêu thương mà đỡ sợ chứ.

[Thịt cá là thêm hương hoa] Thuyền về tôm cá đầy khoang

Sự đa dạng của thủy hải sản là một lợi thế rất mạnh trong ẩm thực Việt Nam. Từ ao hồ, sông suối ra đến biển cả, ít có nơi nào ở nước ta mà không nhiều tôm cá. Từ bé cho đến giờ, tôi luôn thích ăn tôm cá và thủy hải sản nói chung, nhưng lớn lên rồi phải ăn ít lại vì…sợ hao tiền chợ.

Ngày xưa, món chất đạm mà tôi thích nhất là tôm, đặc biệt là tôm sú và tôm càng. Hai loại tôm này to, dù luộc với nước dừa, rang tỏi hay kho tàu đều ngon cả. Đặc biệt, ở hàng cơm tấm Thuận Kiều ngày xưa có món cơm tôm càng kho khiến tôi nhớ mãi, một là vì ngon, hai là vì đắt tiền nhất trong thực đơn. Ngày ấy, món rẻ nhất là đĩa cơm xíu mại giá năm nghìn, trong khi cơm tôm thì tận sáu mươi nghìn!

Thấy con giai út gầy yếu mà lại thích tôm, mẹ tôi cũng chiều. Nấu cơm nhà thì dĩ nhiên là ít có ai dám mua tôm càng, thường thì tôm bạc thẻ hoặc tôm đất phổ biến hơn. Món tôm mẹ thường nấu là tôm rang rất đơn giản với mắm muối, hành tiêu, có khi để nguyên vỏ có khi lại bóc bắc cầu. Cá nhân tôi thích giữ vỏ, vì như thế thì thịt tôm bên trong ăn vào có cảm giác tươi hơn. Vả chăng, vỏ tôm khi rang lên rồi thì ăn cũng giòn giòn, vui miệng.

Continue reading “[Thịt cá là thêm hương hoa] Thuyền về tôm cá đầy khoang”

[Thịt cá là thêm hương hoa] Bò trắng răng chẳng phải lo

Thịt bò không hẳn là loại thịt truyền thống của người Việt. Theo một số lời kể tôi đọc được thì ngày xưa, thịt bò chỉ đôi khi được dùng vào những dịp lễ của nhà quyền quý. Kể từ khi Pháp sang thì việc ăn bò mới trở nên phổ biến ở Việt Nam, nhưng phổ biến rồi thì lại trở thành nguyên liệu cao cấp, “sang chảnh” hơn cả thịt lợn và thịt gà.

Nhìn mâm cỗ Tết cổ truyền thì ta hiểu ngay việc thịt bò vẫn chưa thật sự đi sâu vào văn hóa Việt. Những món ăn từ thịt bò có lẽ chỉ xuất hiện trên diện rộng từ đầu thế kỷ hai mươi, mà điển hình nhất là món phở đã trở thành quốc hồn quốc túy. Ngay cả bún bò Huế nổi tiếng vô cùng thì nguyên thủy là bún nấu thịt lợn.

Thịt bò trong phở thì chẳng cần phải nói nhiều nữa. Từ nạm đến gầu, chín đến tái, gân đến bắp, phần thịt nào cũng ngon. Ngoài phiên bản phở chín truyền thống nhất thì thời bây giờ, cả con bò có miếng thịt nào đều được mang ra ăn cả. Thậm chí xương và đuôi bò vẫn có thể dùng nấu nước phở, riêng phần đuôi có nhiều thịt ninh mềm ăn rất thú vị.

Continue reading “[Thịt cá là thêm hương hoa] Bò trắng răng chẳng phải lo”

[Thịt cá là thêm hương hoa] Con lợn ủn ỉn mua hành

Loại thịt phổ biến nhất trên mâm cơm Việt chắc chắn là thịt lợn.

Từ mâm cơm nhà đến mâm cỗ Tết, thịt lợn đều là chất đạm cơ bản và chủ đạo. Món có thịt lợn cũng nhiều vô kể, đa dạng từ Bắc vào Nam qua bao nhiêu cách chế biến khác nhau. Trong tầm hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi chỉ xin liệt kê những món thịt lợn tiêu biểu nhất, đặc biệt là với tuổi thơ của mình.

Nhắc đến thịt lợn, ta không thể nào bỏ qua giò lụa. Nhìn thấy khúc giò gói trong lá chuối là như thấy cả mâm cỗ ngày xuân, thấy tất cả mọi người Bắc Trung Nam quây quần bên bàn đại tiệc. Đi dọc cả chiều dài đất nước, ta thử hỏi bất kỳ người nào, dẫu già trẻ lớn bé ra sao, ai cũng biết giò lụa.

Continue reading “[Thịt cá là thêm hương hoa] Con lợn ủn ỉn mua hành”

[Thịt cá là thêm hương hoa] Con gà cục tác lá chanh

Xin thú thật là tôi mắc bệnh…sợ gà.

Ngày xưa, sau căn nhà cũ của gia đình tôi là một khoảnh sân nhỏ. Tôi nhớ là nhà hàng xóm, vốn cũng là họ hàng xa, có nuôi mấy con gà. Một lần, mẹ bảo tôi cho gà ăn mà tôi sợ nhũn cả người, chỉ dám ném thóc phía xa xa rồi bỏ chạy. Lần khác, một con gà trống nhảy lên tường, khiến tôi sợ không dám đi ngang qua.

Chả hiểu vì sao mà tôi lại sợ gà đến thế, đặc biệt là gà trống. Kể cả các giống chim khác tôi cũng sợ, trừ bọn chim sẻ bé xinh là không hãi lắm thôi. Chứ ngay cả bồ câu trong công viên cũng khiến tôi bỏ xa tám thước.

Sợ gà là thế nên tôi có bảo với những người bạn của mình rằng: Tôi luộc gà cho ai là quý người đấy lắm!

Continue reading “[Thịt cá là thêm hương hoa] Con gà cục tác lá chanh”